Theo chuyên gia, ứng viên cần ưu tiên những hoạt động tham gia trong thời gian dài, giữ chức vụ quan trọng, liên quan đến ngành học và mô tả kết quả cụ thể.
Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế, đã có 15 năm kinh nghiệm làm cố vấn cho những học sinh, sinh viên đặt mục tiêu du học Mỹ. Ngoài điểm số và các chứng chỉ học thuật, bà Hoa cho rằng việc xây dựng các hoạt động ngoại khóa cũng đóng vai trò quan trọng trong bộ hồ sơ.
Tại Việt Nam, khi xét tuyển đại học, các trường thường không đưa ra tiêu chí về thành tích ngoại khóa. Do đó, nhiều phụ huynh và học sinh lúng túng khi làm hồ sơ du học Mỹ, không biết hoạt động nào được và không được tính là ngoại khóa. Bà Hoa từng gặp nhiều người hiểu lầm rằng chỉ các hoạt động từ thiện, năng khiếu mới là ngoại khóa.
Chuyên gia tư vấn này cho rằng khái niệm hoạt động ngoại khóa cần được hiểu theo nghĩa rộng và đa dạng hơn. Nó bao gồm mọi hoạt động học sinh tham gia ngoài chương trình học tập bắt buộc, từ các sự kiện tại câu lạc bộ, nghiên cứu, khóa học, dự án xã hội đến việc giữ các chức vụ trong lớp, trường hay sở thích thể thao. “Nhiều người nghĩ phải sinh hoạt trong những tổ chức cấp giấy chứng nhận mới được coi là hoạt động ngoại khóa. Điều này không đúng. Ngay cả sở thích nấu nướng, làm đồ handmade, viết vlog… cũng được tính nếu học sinh dành nhiều tâm huyết”, bà Hoa nói.
Nhiều học sinh lo lắng vì tại trường học, địa phương các em không có nhiều hoạt động. Bà Hoa gợi ý học sinh có thể kết nối với những bạn khác cũng muốn du học, đăng ký các vị trí thiết kế, viết bài truyền thông, lên ý tưởng, dịch thuật cho các dự án nhận tình nguyện viên làm việc online. Các em nên tận dụng thời gian nghỉ hè, chọn một số hoạt động hoặc trại hè trong và ngoài nước để tham gia trực tiếp nếu có điều kiện. Học sinh cũng có thể kêu gọi bạn bè cùng sở thích thành lập câu lạc bộ hoặc các dự án nhỏ, thiết thực với trường và địa phương.
Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế
Từ kinh nghiệm làm tư vấn nhiều năm, bà Hoa cho biết không có nguyên tắc cụ thể để so sánh giá trị giữa những việc mà học sinh tham gia. Tuy nhiên, thông thường, những hoạt động thể hiện được tính chủ động của các em được đánh giá cao hơn. Chẳng hạn, thay vì chỉ là thành viên, nếu em đó có thể khởi xướng, thành lập và lãnh đạo một dự án hay câu lạc bộ, hồ sơ sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Cùng với đó, hội đồng tuyển sinh sẽ xét tới kết quả, kỹ năng học có được, mức độ ảnh hưởng của hoạt động đó tới cộng đồng. Ví dụ, một dự án được nhiều người tham gia, gây quỹ thành công và giúp đỡ được nhiều người sẽ tạo dấu ấn tốt so với hoạt động tương tự nhưng phạm vi tác động nhỏ hơn (như tặng quà trong một ngày tại một địa điểm, huy động ít thành viên).
Ngoài hai yếu tố trên, giám khảo còn xem bao nhiêu trong số những hoạt động ứng viên tham gia liên quan đến lĩnh vực các em muốn theo học. Nếu nhiều, việc này sẽ giúp các em dễ dàng vượt qua những câu hỏi như “Tại sao bạn muốn vào trường chúng tôi?”, “Tại sao bạn muốn theo ngành này?”. “Một khi đã có hoạt động, các em dễ dàng chứng minh mình thực sự thích lĩnh vực này và đã có sự tìm hiểu, đầu tư thời gian cho nó”, bà Hoa nói.
Trường hợp học sinh chưa biết mình thích gì, chuyên gia khuyên các em nên căn cứ vào khả năng, tính cách của bản thân, từ đó xác định các hoạt động sẽ tập trung theo nhóm lĩnh vực lớn, chẳng hạn khoa học, giáo dục, môi trường, y tế, văn hóa nghệ thuật, bình đẳng giới, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế.
Trong hồ sơ du học Mỹ, các trường thường để 10 chỗ trống cho học sinh kê khai hoạt động ngoại khóa với các câu hỏi rất chi tiết như bạn đã làm gì, với cơ quan hay tổ chức nào, trong bao giờ một tuần, bao tuần một năm, trong năm học lớp mấy… Bà Hoa đánh giá, ứng viên cần ưu tiên liệt kê những hoạt động tham gia trong thời gian tương đối dài, giữ chức vụ quan trọng, liên quan đến ngành học và mô tả kết quả cụ thể.
Việc kê khai toàn bộ 10 hoạt động cùng loại hoặc đều liên quan đến ngành học không được khuyến khích vì sẽ khiến ứng viên trở nên một màu, không toàn diện. Ngược lại, các em cũng không nên liệt kê 10 hoạt động ở 10 lĩnh vực khác nhau. Giám khảo sẽ không biết ứng viên thực sự thích gì và định hướng tương lai thế nào. Theo bà Hoa, ứng viên nên cân đối, chọn hoạt động một cách chiến lược để hội đồng tuyển sinh hiểu những điểm mấu chốt, nổi bật của các em dù chỉ lướt qua hồ sơ.
Ngoài ra, bà Hoa nhấn mạnh việc học sinh cần kê khai trung thực những thông tin về hoạt động ngoại khóa. Trước đây, một học sinh cố tình viết mình giữ chức vụ lớn trong các sự kiện, dự án dù chỉ là thành viên thông thường. Em này đã nhận được thư trúng tuyển nhưng sau khi bị phản ánh về việc cung cấp thông tin sai lệch, hội đồng tuyển sinh đã rút lại thư mời. “Không phải lúc nào các trường cũng kiểm tra toàn bộ những gì ứng viên kê khai nhưng vẫn có thể nghi ngờ và phát hiện thông qua buổi phỏng vấn hoặc sự bất hợp lý trong hồ sơ”, bà nói.
Hoạt động ngoại khóa chỉ là một phần của bộ hồ sơ du học Mỹ. Khi xét tuyển, các đại học vẫn dành 70-80% sự quan tâm cho điểm số và các tiêu chí học thuật. Do đó, bà Hoa cho rằng không thể nói những em ít hoạt động sẽ không có cơ hội du học Mỹ.
Tuy nhiên, với các trường đại học danh giá, khi nhận được quá nhiều hồ sơ của các ứng viên có thành tích học tập “khủng” ngang nhau, họ sẽ cân nhắc kỹ các hoạt động ngoại khóa và tính cách, tiềm năng của các em để chọn người phù hợp nhất. Để tăng tính cạnh tranh cho bộ hồ sơ của mình khi nộp vào các trường top đầu, học sinh vẫn nên đầu tư thời gian, tâm sức vào hoạt động ngoại khóa.
Thanh Hằng