Đi thực tập sau hai năm đại cương
Lê Cảnh Thùy Hân, sau hai năm học đại cương tại South Seattle Community College (ngành Cử nhân kinh tế) đã quyết định dành một năm để đi thực tập trước khi tiếp tục hai năm cuối Đại học.
Cũng như tất cả các trường Đại học khác ở Mỹ, hai năm đầu sinh viên trường Hân được học những môn đại cương nhằm phổ cập một lượng kiến thức nhất định cho toàn bộ sinh viên bậc Đại học: Kế toán, Kinh tế… Sau hai năm này, Hân đã nhận được một tấm bằng tương đương với hai năm đầu của bậc Đại học (Associate degree).
Theo lời kể của Hân, hai năm đầu nhà trường chuyên dạy các môn học chung chung tuy nhiên sinh viên sau khi có tấm bằng hai năm vẫn có thể xin đi thực tập (trong khoảng thời gian một năm) ở vị trí trợ lí văn phòng/thư kí, kế toán, người bán hàng… Đã có nhiều trường hợp thực tập sinh sau thời gian một năm làm việc được công ty nhận vào làm nhân viên chính thức, tuy nhiên đại đa số các sinh viên vẫn muốn học thêm hai năm nữa để có được tấm bằng Cử nhân.
Kì thực tập dài ngày này trước hết có ích lợi về mặt kinh nghiệm, ngoài ra cũng là cơ hội tìm hiểu thị trường lao động để đưa ra quyết định đúng đắn ở các bậc học cao hơn. Đối với các sinh viên du học, việc đi thực tập còn giúp “đỡ đần” một phần về mặt tài chính vì sau thời gian thực tập không công ban đầu, thông thường công ty sẽ trả lương cho bạn chừng 10$/giờ sau ba tháng đầu.
Hiện tại, Thùy Hân là nhân viên có nhiệm vụ quản lí giấy tờ cho một công ty chuyên lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Mỹ.
Môi trường học tập ở Seattle, tiểu bang Washington
Trường Hân có rất nhiều hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên: Tết Việt Nam, đi tham quan tòa tháp nổi tiếng Space Needle, tổ chức tiệc nướng BBQ ngoài trời cho sinh viên quốc tế, leo núi Mount Rainier…
Các tổ chức, hội sinh viên cũng là những lựa chọn tối ưu cho hoạt động ngoại khóa tùy theo đam mê của mỗi người. Trường thậm chí còn có một Hội chăm lo sức khỏe vị thành niên có tên gọi “Women center” nhằm tư vấn, giúp đỡ những nữ sinh viên có thắc mắc, tâm sự về vấn đề giới tính, sinh sản. Riêng hội sinh viên Việt Nam (khoảng 20 – 30 người) cũng thường có những buổi tụ họp đi chơi riêng để gặp gỡ “đồng hương”.
Ngoài giờ học, nhiều sinh viên chọn làm thêm với các công việc phổ biến là chạy bàn, gia sư hay trợ lí để kiếm thêm thu nhập. Trung bình bạn sẽ tốn khoảng 600$ cho phí sinh hoạt ăn ở (với trường hợp chia nhà) một tháng, trong đó tiền ăn không phải là quá đắt đỏ theo kinh nghiệm của Thùy Hân. Ngoài ra, những bạn sinh viên có học lực tốt tất nhiên cũng sẽ có cơ hội nhận được học bổng của trường. Thông thường bạn phải đạt khoảng 3.8 điểm trở lên (4.0 là cao nhất, hạng A) với tham gia tích cực các hoạt động của trường để được cấp học bổng đó (khoảng 1000$).
Với Hân, một năm “off” để đi thực tập là năm ngừng lại để trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc, bổ sung điểm cộng cho CV và nhất là tiết kiệm một số tiền kha khá cho hai năm Đại học tiếp theo. Với mức học phí 3000$/quý, gia đình Thùy Hân đã tốn khoảng 24.000$ cho hai năm đầu học đại cương. Cho hai năm cuối, Hân đã chọn xin chuyển qua Eastern University “vì đây là một trường có tiếng về Quản trị kinh doanh mà tiền học lại rẻ hơn – khoảng 4000$/quý là thuộc loại rẻ so với một trường Đại học”.
Nguồn: Sưu tầm